5 phút, 0 giây để đọc.

Cây hoàng bá là một loại cây gỗ lớn lâu năm, cao từ 10 – 17 m trở lên. Vỏ của loại cây này dày, mặt ngoài sần sùi, màu nâu xám đến nâu xám, mặt trong màu vàng. Cành non màu nâu tím. Các lá kép mọc đối, hình trứng hoặc hình elip, đầu lá thuôn dài và toàn bộ mép. Mặt trên của lá màu lục sẫm, gân giữa có lông, mặt dưới nhạt hơn, có nhiều lông, phân bố đều, Cụm hoa mọc ở ngọn thân hoặc đầu cành, hình chùy dài 5-8cm, màu vàng- xanh lục hoặc vàng nhạt. Quả hình cầu, khi trưởng thành màu tím, chứa 2-5 hạt cứng. Ra hoa tháng 5-7, đậu quả tháng 10-12.

Tìm hiểu về cây hoàng bá

Hoàng cầm, hoàng liên, hoàng bá đều là thuốc đắng hàn. Nhưng hoàng liên thì mạnh về thanh hoả ở tâm; Hoàng cầm mạnh về thanh nhiệt ở phế; Hoàng bá mạnh về thanh thấp nhiệt ở hạ tiêu.

Theo Đông y, hoàng bá vị đắng, tính hàn; vào các kinh Thận và Bàng quang. Tác dụng thanh nhiệt tả hoả, lợi thấp giải độc, tư âm, thanh thoái hư nhiệt. Chữa tả lỵ, hoàng đản, đới hạ, nhiệt lâm, chân gối sưng đau, lở loét sang độc, bỏng, thấp chẩn, âm hư nội nhiệt.

Tìm hiểu về cây hoàng bá

Trị âm hư, giáng hoả: Bài Tri bá địa hoàng hoàn: Tri mẫu 12g, hoàng bá 8g, địa hoàng 20g, đơn bì 12g, sơn thù du 8g, sơn dược 16g, phục linh 12g, trạch tả 12g. Sắc uống. Dùng cho các chứng âm hư phát sốt, đau nóng trong xương, mồ hôi trộm, mộng tinh, di tinh, hoạt tinh.

Lợi thấp, thoái hoàng: Trị các chứng hoàng đản do thấp nhiệt (tương đương với bệnh viêm gan hoàng đản truyền nhiễm cấp tính), biểu hiện sốt và sợ lạnh, nôn mửa, bụng trướng, đái vàng, rêu lưỡi vàng dày, mạch nhanh gấp.

Bộ phận dùng của hoàng bá

Để làm thuốc, người ta sử dụng vỏ thân hoặc vỏ cành của cây; thu hoạch vào tháng 3–6, cạo bỏ lớp bần rồi đem phơi hay sấy khô. Khi dùng thì rửa sạch, ủ mềm rồi chế biến sao tẩm như sau:

  • Hoàng bá phiến: Đem dược liệu đi ủ mềm, thái phiến chéo, rộng 3–5mm, dài 5cm.
  • Hoàng bá sao: Cho hoàng bá phiến vào nồi, sao nhỏ lửa đến khi có màu vàng đậm hoặc đun nồi nóng già (120ºC); đổ dược liệu vào, đảo đều, sao đến khi có màu vàng đậm.
  • Hoàng bá than: Cho hoàng bá phiến vào nồi, sao đến khi toàn bộ lớp bên ngoài dược liệu đen đều. Để nguội, phun ít nước để trừ hỏa độc.
  • Hoàng bá tẩm rượu: Hoàng bá 10kg, rượu 2kg. Tất cả trộn đều, ủ trong 30 phút cho ngấm rồi dùng lửa nhỏ sao đến khô. Một cách khác là sao hoàng bá phiến tới nóng già rồi vẩy rượu vào trộn đều, sao lửa nhỏ cho khô.
  • Hoàng bá tẩm muối: Hoàng bá 10kg, muối ăn 100g. Dùng nước pha muối để có một lượng vừa đủ trộn đều với hoàng bá. Sau khi để 30 phút cho nước muối ngấm đều, dùng lửa nhỏ sao đến khô. Ngược lại, bạn cũng có thể sao hoàng bá phiến đến nóng già rồi vẩy nước muối vào trộn đều, sao khô.

Bài thuốc từ cây hoàng bá

Bài 1 – Thang Chi tử bá bì: Chi tử 16g, hoàng bá 12g, cam thảo 4g. Sắc uống. Trị viêm gan cấp tính, hoàng đản, tim nóng hồi hộp, tiểu tiện đỏ vàng, toàn thân phát vàng.

Bài 2: Hoàng bá 8g, nhân trần 20g, chi tử 12g, đại hoàng 8g, Sắc uống. Trị viêm gan hoàng đản cấp tính, bụng trướng kết cứng, tiểu ít và đỏ.

Mát ruột, chữa lỵ: Trị các bệnh lỵ do thấp nhiệt, tiểu ra máu mủ, tiêu chảy.

Bài thuốc từ cây hoàng bá

Bài 1 – Hoàn Hoàng bá: Hoàng bá 20g, xích thược 16g. Các vị nghiền thành bột, làm hoàn hồ; viên bằng hạt gai. Mỗi lần uống 10 – 20 viên. Trị trẻ em đi lỵ ra máu.

Bài 2: Hoàng bá 40g, đương quy 40g. Hai vị nghiền thành bột. Cho củ tỏi vào tro nóng, nướng chín, giã nát, trộn với bột trên làm viên bằng hạt đỗ xanh. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 5 – 7 viên. Trị trẻ nhỏ bị bạch lỵ lâu ngày không khỏi, bụng trướng, đau âm ỉ.

Bài 3: Hoàng bá 12g, mộc hương 8g. Sắc uống. Trị viêm ruột, viêm dạ dày cấp tính.

Công dụng cây hoàng bá mang lại

Thanh nhiệt, trị bạch đới: Trị thấp nhiệt ở vùng hạ tiêu, khí hư bạch đới. Dùng bài Bột Dị hoàng: hoàng bá 12g, sơn dược 16g, khiếm thực 12g, xa tiền tử 16g, bạch quả 12g. Sắc uống. Trị đới hạ sắc vàng, âm đạo có trùng roi gây ngứa.

Giải độc, trị nhọt: Trị các chứng nhiệt độc bế tắc sinh ung nhọt, phát ban do thấp ở da: hoàng bá nghiền thành bột mịn, pha với nước chè đặc, phối hợp với khổ sâm 12g. Sắc nước rửa ngoài. Trị nhọt sưng do nhiệt độc. Có thể trộn với trứng gà, bôi trị áp-xe vú.

Kiêng kỵ: Người tỳ hư tiêu chảy, dạ dày yếu, kém ăn kiêng dùng.

Trên thị trường có vị thuốc hoàng bá nam (Cortex Oroxyli) là vỏ cây núc nác (Oroxylon indicum Vent.); thuộc họ chùm ớt (Bignoniaceae). Trong vỏ không có alkaloid, nhưng có các hợp chất flavonoid (oroxylin, baicalein…). Hoàng bá nam có tác dụng chữa vàng da, mẩn ngứa, ban sởi, viêm họng, ho, đau dạ dày; dân gian dùng thay vị hoàng bá bắc; thường kết hợp với các thuốc khác. Hạt cây có tên mộc hồ điệp; tác dụng chữa ho lâu ngày; viêm khí quản, đau dạ dày. Liều dùng: 4g đến16g.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *